Môtô "mẹ bồng con" (MBC) là khái niệm quen thuộc trong giới chơi xe phân khối lớn tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trước và vẫn còn cho tới hiện nay. Những xe này thường là nhập lậu,ôtômẹbồxổ số thứ sáu miền nam hàng tuần sử dụng giấy tờ đăng ký, đăng kiểm giả từ một mẫu môtô cùng chủng loại nhập khẩu chính ngạch, khai báo hải quan, đóng thuế đầy đủ. Xe chính ngạch là "mẹ", còn xe nhập lậu là "con". Hai xe này có giấy đăng ký, biển số giống nhau nhưng khác khung, số máy. Cũng có trường hợp xe được đục số khung, số máy giống xe nguyên bản.
Nguyễn Hưng, một người chơi môtô lâu năm ở TP HCM, cho biết vì đam mê nhưng tài chính eo hẹp, từ đầu những năm 2000, anh và nhiều người đã chọn mua xe nhập từ Campuchia và dùng giấy tờ MBC.
"Khi đó mình cũng chỉ nghĩ giá rẻ thì mua, không hiểu được hết các vấn đề pháp lý như bây giờ", Hưng kể.
Ông Tuấn, chủ một đơn vị kinh doanh môtô nhập khẩu với thâm niên 20 năm ở TP HCM, nói rằng thị trường xe phân khối lớn những năm 2000 rất ít đại lý chính hãng như hiện nay, xe nhập chính ngạch giá rất cao vì thuế, phí. Môtô chính ngạch vì thế là lựa chọn của số ít người chơi có điều kiện tài chính mạnh.
Bằng lái A2 cũng là một rào cản với người chơi xe khi đó. Theo ông Tuấn, ở các thành phố, người chơi phải là hội viên của một câu lạc bộ môtô hoặc thành viên của liên đoàn. Sau 2, 3 năm tham gia, được hội môtô giới thiệu mới đủ điều kiện thi bằng A2. Vì thế, thay vì mua một chiếc xe với số tiền lớn, họ chọn mua xe không giấy tờ để chơi. Sau khi có bằng A2 mới tính đến chuyện mua xe chính ngạch.
Phần đông những người yêu thích môtô nhưng tài chính hạn hẹp chọn cách chơi xe "mẹ bồng con" vì giá xe rẻ hơn 25% hoặc một nửa. Khi thị trường có nhu cầu nhưng nguồn cung khan hiếm, nhiều dân buôn tận dụng lượng xe từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia để đưa về Việt Nam nhưng không khai báo hải quan, đóng thuế.
Xe từ Campuchia là dạng xe cũ hoặc tai nạn, được đưa về nước theo đường bộ. Để hợp thức hóa, những người này chọn nhập những mẫu đã có ở Việt Nam và đã đăng ký ra biển hợp lệ, sau đó tạo ra một bản sao giấy đăng ký cho xe nhập lậu.
Thị trường mua bán những xe này chủ yếu diễn ra "ngầm" trong giới chơi môtô. Những thuật ngữ truyền miệng như MBC (mẹ bồng con), NOPP (No Paper - xe không giấy), GTHL (giấy tờ hợp lệ), HQCN (hải quan chính ngạch) xuất hiện theo.
Từ sau 2012, những hãng môtô đầu tiên như Ducati, Harley-Davidson vào Việt Nam, bắt tay với nhà phân phối xây dựng showroom, đi kèm là dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa. Giá xe môtô vì thế dễ tiếp cận hơn, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn từ nhiều thương hiệu khác nhau.
Nguyễn Hưng khi hiểu rõ sai phạm pháp lý, cũng từ bỏ xe MBC từ nhiều năm nay, thay vì đó anh chọn mua một số mẫu xe qua sử dụng chính ngạch. "Không kể những phiên bản đặc biệt, hiện giá môtô khoảng 300-400 triệu nhiều người có thể chơi, hoặc mua xe đã qua sử dụng còn rẻ hơn nữa", Hưng nói. Ví dụ, giá một chiếc Honda CBR650R chính hãng là 255 triệu, chỉ bằng khoảng 2 chiếc SH trước đây.
Khi thị trường xe môtô mở rộng, nhiều mẫu mã đa dạng và việc thi bằng lái A2 dễ dàng hơn, nhu cầu chơi xe không có giấy tờ hợp lệ giảm nhiệt. Theo những người chơi xe lâu năm, hiện nay nhóm người chơi loại xe giấy tờ giả co cụm, khá ít, không còn công khai như xưa. Khoảng chục năm trước, loại xe có giấy MBC được rao bán công khai trên nhiều website mua bán, diễn đàn phân khối lớn. Trong khi hiện tại, những giao dịch này chuyển vào các group trên mạng xã hội, chủ yếu là Facebook.
Thành Long, người chơi và sửa chữa môtô lâu năm tại Hà Nội, cho biết, hiện những dòng môtô nguyên bản (không độ, thay đổi các chi tiết trên xe) phần lớn giấy tờ hợp pháp. "Cách đây khoảng 6-7 năm, lực lượng 141 Hà Nội thường xuyên truy quét môtô không giấy tờ, có nhiều người phải ngồi tù vì buôn bán. Vì thế, dân chơi giờ đây không còn mạo hiểm", Long nói.
Pháp luật hiện hành quy định, hành vi sử dụng Giấy đăng ký xe bị tẩy xóa, không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt hành chính 300.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, nếu người mua xe biết giấy đăng ký xe là giả nhưng vẫn mua và sử dụng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với những người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Phạm Trung